Ô nhiễm bụi trong không khí giảm nhưng vẫn vượt chuẩn thế giới

Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại Việt Nam trong năm 2021 là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2020 và 2019. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên 9 quốc gia; xét trên toàn thế giới thì Việt Nam xếp thứ 36/117 quốc gia có nồng độ PM2.5 cao nhất…

Đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố một báo cáo nghiên cứu về cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam. Báo cáo này thể hiện nỗ lực của Dự án Chung tay vì không khí sạch, được thực hiện bởi Live & Learn, dưới sự hỗ trợ của USAID.

GIA TĂNG Ô NHIỄM TỪ ĐỐT RƠM RẠ

“Ô nhiễm không khí” và “bụi mịn PM2.5” (loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron) từ “vô hình” đã trở nên “hữu hình" hơn với với công chúng khi các chỉ số này đã được cập nhật theo thời gian thực nhờ đa dạng cách thức giám sát, từ mạng lưới quan trắc tiêu chuẩn của nhà nước đến các mạng lưới cảm biến chi phí thấp, hoặc sử dụng ảnh vệ tinh.

Theo Báo cáo của Live & Learn, kết quả đo đạc và tính toán cho thấy, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 và năm 2021 (8 - 35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với năm 2019 (9 - 41 µg/m3).

Trong năm 2020 và 2021, miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia.

Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 và năm 2021 giảm 16% so với năm 2019. Tại TP. HCM, nồng độ bụi PM2.5 đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc, thấp hơn giới hạn cho phép của chuẩn quốc gia, và năm 2020 -2021 đã giảm 13% so với năm 2019.

Theo Báo cáo của Live & Learn.

Trên quy mô toàn quốc, theo nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Thị Kim Oanh và cộng sự, năm 2018 lượng phát thải PM2.5 từ đốt bỏ phụ phẩm nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất (40%), tiếp theo là đun nấu dân sinh (17%), giao thông đường bộ (13%), cháy rừng (12,7%), hoạt động công nghiệp (11%), và nhà máy nhiệt điện (3,3%). Các lĩnh vực còn lại đóng góp chung khoảng 3% tổng lượng phát thải PM2.5 của cả nước.

Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường.

Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có ⅓ lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và ⅔ lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực Đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.

Báo cáo Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 - 2021 của Đại học Khoa học Tự nhiên đã chỉ ra: Vụ Đông Xuân năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trung bình toàn thành phố tăng gấp đôi (từ 22% năm 2020 lên 43,2% năm 2021) và khối lượng bụi PM2,5 phát thải tăng gấp 4 lần (tăng gần 1,5 nghìn tấn).

Tại TP.HCM, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hoạt động giao thông đóng góp nhiều nhất vào phát thải bụi PM2,5, tiếp theo là hoạt động công nghiệp, sau đó là hoạt động dân sinh và thương mại.

HIỂM HỌA GIA TĂNG BỆNH TẬT VÀ NGUY CƠ TỬ VONG

Năm 2021, trước những nguy cơ và tác động sức khỏe do ô nhiễm bụi PM2.5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật Hướng dẫn toàn cầu về Chất lượng không khí nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó thắt chặt các ngưỡng khuyến nghị, từ 10 μg/m3 xuống 5 μg/m3 đối với nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm.

Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra ô nhiễm không khí là một trong 5 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng. Năm 2020, phơi nhiễm với bụi PM2.5 đóng góp số ca tử vong với tỷ suất 38,87 trên 100.000 dân.

 

Tại Hà Nội, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 tại các quận/huyện từ 28,15 - 39,4 μg/m3; gây ra 2.855 ca tử vong sớm, đóng góp 12% số ca tử vong sớm ở nhóm người trên 25 tuổi. Nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên từ 2,2 tới 3,8 năm. Tại TP. Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2017 là 23 μg/m3, cao hơn 2,3 lần so với mức khuyến cáo của WHO và gây ra khoảng 1.136 ca tử vong.

Theo Báo cáo của Live & Learn.

Các nghiên cứu trên thế giới ban đầu cho thấy người dân sinh sống ở các khu vực ô nhiễm không khí có xu hướng mắc và tử vong do Covid-19 cao hơn. Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với vi rút và gây nhiễm vi rút nghiêm trọng hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, nồng độ PM2,5 tại Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030 với các chính sách về quản lý chất lượng không khí như hiện nay.

Từ năm 2019 đến nay, đã có nhiều văn bản pháp luật ra đời về quản lý chất lượng không khí ở cả cấp trung ương và địa phương.

Luật Bảo vệ môi trường 2020, thay thế cho Luật năm 2014, và Nghị định 08/2022-CP đã bổ sung quy định về Kế hoạch Quản lý chất lượng không khí và Trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan.

Tại Hà Nội, một loạt các chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí  đã ra đời và đang là công cụ quản lý để triển khai các giải pháp. Đơn cử, Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về loại bỏ than tổ ong; Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/09/2020 về kiểm soát đốt rơm rạ và chất thải.

Tính đến hết tháng 12/2021, Hà Nội chỉ còn khoảng 316 bếp than tổ ong tại 30 quận huyện trên địa bàn thành phố, giảm 99,42% so với khảo sát năm 2017.

Từ năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Live & Learn và 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp kỹ thuật đã thực hiện các can thiệp giảm thiểu đốt rơm rạ, rác thải tại nhiều quận/huyện.

Các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh,... đã thúc đẩy các giải pháp xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, sử dụng các loại chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân bón, thu cuốn rơm rạ để tiếp tục sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác.

Năm 2020-2022, Chương trình “Xe sạch – Trời xanh” được Trung tâm Live&Learn phối hợp cùng các cơ quan ban ngành nhà nước thực hiện tại 3 TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, nhằm kiểm soát mức độ phát thải chất gây ô nhiễm không khí của xe mô tô, xe gắn máy.

Cùng với đó, Chương trình “Chung tay vì Không khí sạch”, cũng từ nguồn tài trợ của USAID đã thu hút được 194 sáng kiến được gửi về, trong đó có 43 dự án đề xuất nhận được tài trợ để triển khai nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương.

Không khí ô nhiễm tại đa số các thành phố trên thế giới

Theo nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington của Mỹ, phần lớn dân số thành thị trên thế giới sống trong những khu vực có nồng độ bụi mịn …

Chỉ số ô nhiễm bụi mịn của Hà Nội cao nhất cả nước

Trong số 10 tỉnh miền Bắc có nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình năm vượt tiêu chuẩn cho phép, Hà Nội có chỉ số cao nhất, thông tin …

Hà Nội và TP. HCM ô nhiễm không khí đầu bảng thế giới

SKĐS - Hà Nội là thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố ô nhiễm không khí sáng nay (24/10), nhiều nơi có chỉ số AQI …

Báo cáo đầu tiên về hiện trạng bụi mịn toàn quốc: Nơi nào vượt quy chuẩn?

Năm 2020, toàn quốc có 10/63 tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn, trong đó tất cả các tỉnh thành này đều nằm ở …

Ô nhiễm bụi PM 2.5 tại Việt Nam

Ô nhiễm không khí đang là mối quan tâm của thế giới và Việt Nam bởi tác động nghiêm trọng của nó đến môi trường và sức khỏe con người. …

Nguyên nhân gây tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và giải pháp khắc phục

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nan giải của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Tổ chức …