Ô nhiễm bụi PM 2.5 tại Việt Nam
Ô nhiễm không khí đang là mối quan tâm của thế giới và Việt Nam bởi tác động nghiêm trọng của nó đến môi trường và sức khỏe con người. Các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm: bụi (particulate matter, aerosol) và các chất ô nhiễm dạng khí. Trong đó PM2.5 là bụi có đường kính khí động học 2,5 µm (tương đương bằng 1/30 đường kính sợi tóc) được xem là kẻ giết người thầm lặng nguy hiểm nhất hiện nay.
Nồng độ và phân bố bụi PM2.5 ở Việt Nam
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Việt Nam chủ yếu được quyết định bởi nồng độ bụi PM2.5. Trong giai đoạn 2010 - 2018, nồng độ của PM2.5 hàng năm tại các trạm quan trắc ở Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh đều cao hơn ngưỡng Quy chuẩn quốc gia là 25 µg/m3. Trong khi đó, ở một số thành phố khác như Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, nồng độ bụi PM2.5 đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhưng vẫn cao hơn khuyến nghị của WHO là 10 µg/m3.
Kết quả quan trắc và các thiết bị vệ tinh đều cho thấy nồng độ bụi PM2.5 tại khu vực miền Bắc cao hơn miền Nam và miền Trung. Các nghiên cứu cho thấy, ngoài những nguồn sơ cấp, nồng độ PM2.5 còn được đóng góp bởi vận chuyển từ xa và phần thứ cấp.
Tại Hà Nội, nồng độ bụi PM2.5 thường cao vào mùa đông và thấp vào mùa hè. Vào mùa đông, điều kiện khí tượng bị tác động bởi các đợt gió mùa Đông Bắc, xuất phát từ các khối cao áp phía trên Xibia và biển Đông Trung Hoa. Khi gió mùa tràn về, khí áp tăng cao, nhiệt độ hạ xuống làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao và bay xa. Vào mùa hè, khối khí từ vùng áp suất cao ở biển Ấn Độ và vùng áp suất cao dưới nhiệt đới ở biển Đông, mang theo khí ẩm, mưa nhiệt đới, nồng độ bụi PM2.5 có giảm hơn.
Một nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy cho thấy, có nhiều thông số khí tượng ảnh hưởng lớn đến biến thiên nồng độ bụi, trong đó, tốc độ gió và nhiệt độ là ảnh hưởng lớn nhất đến biến thiên của nồng độ bụi PM2.5 trong ngày; mưa và độ ẩm ảnh hưởng ít hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, điều kiện khí tượng bất lợi, bao gồm nghịch nhiệt dẫn đến việc gia tăng nồng độ chất ô nhiễm không khí. Sự gia tăng nồng độ chất ô nhiễm sau mỗi đợt gió lạnh tràn về cũng được ghi nhận tại một số nước xung quanh như Trung Quốc và Malayxia…
Nguồn và biến thiên của nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội
Nguồn phát thải từ các nhà máy nhiệt điện đốt than được xem là một nguyên nhân ảnh hưởng tới nồng độ bụi tại Hà Nội. Hiện nhiều nguyên cứu đang được tiến hành để đưa ra con số chính xác về tác động này. Tiêu chí xác định những ngày ô nhiễm bởi nguồn đốt than là khi mức đóng góp của nguồn này lên nồng độ bụi PM2.5> 30 µg/m3. Có 3 nhà máy nhiệt điện Việt Nam và 7 nhà máy Trung Quốc nằm trong quỹ đạo của các khối khí tới Hà Nội. Những nhà máy khác có tần suất khối khí này đi qua không đáng kể nên ít ảnh hưởng hơn.
Để có thể kiểm soát tốt ô nhiễm bụi PM2.5, cần có những nghiên cứu khoa học chính xác cho nội dung này. Tại Hà Nội, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn và nguyên nhân hình thành bụi PM2.5 gồm nguồn sơ cấp và nguồn thứ cấp. Nguồn sơ cấp gồm, Giao thông, bụi đất; phần sunphat. Nguồn thứ cấp gồm, đốt sinh khối; công nghiệp hợp kim sắt và xi măng; đốt than; nhiên liệu diesel trong giao thông ; nấu ăn tại hộ gia đình và thương mại; …
Tháng 8/2021, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng (HUPH), Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) công bố những dữ liệu mới nhất về tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại Hội thảo trực tuyến chia sẻ báo cáo “Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”.
Theo báo cáo này, nồng độ bụi mịn PM2.5 trên toàn TP.Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 µg/m³ - 39,4µg/m³.
Với sự gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội. Cụ thể, nếu nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 µg/m3 (QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là 2.575 ca...
Báo cáo kết quả nghiên cứu này nhằm củng cố các bằng chứng khoa học cho thấy tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng. Từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản lý và cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời.